Ký ức nào là đẹp nhất?

Một cuộc đời giá bao nhiêu?
Nửa cuộc đời giá bao nhiêu?
Nếu được sống lại tuổi đôi mươi mình sẽ làm gì?

Người ta không thường hỏi những câu này khi chưa bước qua buổi tứ tuần. Và khi ở độ tuổi đó, thì những câu hỏi trên trả lời rồi cũng khó làm được.
Thà là hỏi mình trong hiện tại “Ký ức nào sẽ là ký ức đẹp nhất khi mình về già”
Để biết quý hơn điều đang có, những thứ sau này rồi sẽ trở thành ký ức.

Cha Mẹ, mỗi khi ngồi với nhau, quây quần đủ con cái, là nhắc chuyện xưa. Kể hồi đi làm xí nghiệp cũ, đứa con gái đầu lòng ngang bướng ra sao, mà tội nó nhà lúc đó còn thiếu thốn, chỉ thời gian là dư, rồi thằng con út sinh ra, cha mẹ lại đi làm suốt, thừa vật chất nhưng thiếu thời gian hơn đứa chị, mặt hai đứa nó lúc sinh ra thế nào, mẹ mang bầu khỏe ra sao, lớn lên mặt mỗi đứa mỗi khác, nhìn hoài sao hông thấy giống ai, sao con gái mà nóng tính quá, con trai thì lại kiên nhẫn như mẹ, Tết năm nảo năm nao nhà đi đạp vịt, vui bể làng mà về ai cũng bị sốt cả mấy ngày…

Tôi biết, với Cha mẹ, quãng đường gian khó đó là đẹp nhất, cũng là tuổi trẻ của Cha mẹ và tuổi thơ của chúng tôi.

Gặp mấy người bạn cũ, lớn hết rồi, mỗi đứa một nghề, năm vài lần tụ tập thì thể nào cũng xôn xao tình cảm, gia đình, sức khỏe, chuyện xưa cũ hồi học chung… Cũng biết ra, ký ức với gia đình luôn là thứ quan trọng nhất.

Tối qua nghe anh kể, ông của người bạn đang bệnh nhiều, yếu lắm, trí não đã không còn minh mẫn, mà sao suốt ngày nhắc chuyện hồi xưa vanh vách, nhớ đến từng tiểu tiết trong mỗi câu chuyện. Chỉ vòng vòng suốt ngày chuyện hồi xưa lúc còn trẻ, cha mẹ con cái quây quần thế nào, rồi thời cuộc xa cách ra sao, không nhắc chi đến bạn bè, lại càng không có những lời bàn về công việc, kiếm tiền, kinh doanh thành đạt… Thì, cuối cùng gia đình con cái cha mẹ cũng lại quay về là những thứ đẹp duy nhất mà người ta muốn nhớ và còn nhớ ngay khi sự thông thái không còn.

Khi nhận ra mình thật sự lớn, thì gia đình là ký ức hạnh phúc nhất!

Sau này khi chớm già, tôi sẽ không nhớ về những bữa cơm chan nước mắt tranh luận gì đó với Cha Mẹ, cũng không nhớ mình đã làm buồn lòng thế nào khi tự quyết chuyện tình cảm công việc của mình. Mà sẽ chỉ nhớ mái tóc mẹ mỏng đi theo năm tháng, tay cha nổi nhiều gân hơn theo thời gian. Sẽ chỉ nhớ những buổi trưa hè khi còn nhỏ ngồi lê la ở hàng ba ngắm lá vàng rơi cho mẹ buộc tóc. Sẽ chỉ còn nhớ cái xoa đầu dịu dàng của Cha mỗi khi tôi về nhà.

Khi già thật sự rồi, tôi cũng không nhớ được mình đã đi bao nhiêu cái quán café, gặp bao nhiêu người cộng sự, có partner nào trong công việc. Mà chỉ nhớ mình đã sống bao nhiêu năm với con đường khó khăn đã chọn trong sự yêu thương, chia sẻ và động viên của cả gia đình. Sẽ chỉ nhớ có những đêm nằm ôm em trai khóc ngon lành vì một chuyện gì đó không nhớ nổi, mà cái cách nó ôm mình khi đó dịu dàng, người lớn và làm mình điềm tĩnh lại lắm. Rồi cũng sẽ chỉ nhớ cái vuốt đầu, ôm chặt của Boo boo khi mỗi khi mình yên lặng không nói, vì biết rằng mình đang cần một bờ vai hơn là những lời khuyên nhủ trong công việc.

Khi lớn hơn tí nữa, chắc tôi sẽ còn quên nhiều thứ hơn. Và cũng sẽ chỉ nhớ phút giây hạnh phúc khi gia đình nhỏ và gia đình lớn quây quần bên bữa ăn đạm bạc. Không có cái ghế nào trống, không có món ăn nguội lạnh, và tiếng cười thì vang khắp nhà.

Rồi khi già thiệt là già, không nhớ nổi đường về nhà, thì tôi sẽ luôn lẩm bẩm về thời xuân sắc, với đầy đủ những yêu thương ngượng ngùng trước ngày cưới, tôi sẽ nhớ nụ cười hiền của Cha mẹ, tiếng trách yêu “trễ rồi sao không ăn đi con” của Mẹ, ánh mắt cười hiền có nhiều vết chân chim của Cha. Chắc tôi sẽ còn nhớ em trai mình, bụ bẫm ra sao trong vòng tay khi bé, lớn lên thì có biệt danh gì, ngày tốt nghiệp nó vui mừng ra sao. Và tôi sẽ nhớ cả gia đình nhỏ của mình, nhớ nụ cười vị tha của Boo boo, nhớ bài hát của anh Gạo mà Boo thường hát, nhớ những đứa con của mình (trộm vía, trong tương lai chúng tôi sẽ có), nhớ con chó đầu tiên mình nuôi, nhớ ngôi nhà đầu tiên mình ở…

Nhiêu đó cũng đủ cho một cái đầu lão hóa già nua, vi rút alzheimer đã chui vào từ lâu và đục khoét, chỉ còn những mảnh ký ức này, không có trong tế bào não, mà lưu ở trong tim. Cho nên làm sao phai nhạt được!

Cuộc đời giá bao nhiêu? Nửa cuộc thì thế nào? Hỏi vậy chi bằng sống cho đáng, thương thật lòng, để những ký ức đẹp có thật nhiều, dành xài đủ cho cả một tuổi già đằng đẵng!