Viết lại sau nhiều năm dài tưởng trăm năm

by swanxuan

Ừ, cũng lâu rồi không có gì đề viết về mình

Không phải vì ngày nào cũng như ngày nấy, mọi thứ chững lại rồi chậm chạp trôi qua. Mà là vì có quá nhiều suy nghĩ, không chắc muốn ghi lại và cũng chẳng biết bắt đầu làm sao.

Thời gian này việc đặt thức ăn online hầu như chuyển giao công nghệ qua hết cho bạn chung nhà. Nên nói thật là cũng mất đi một thú vui nho nhỏ trong ngày mang tên “đi chợ làng”. Nhưng đổi lại, thấy mọi thứ cũng khá ổn. Quen dần với việc tích trữ nhiều thứ trong tủ lạnh một cách ngăn nắp, gọn gàng. Mỗi lần soạn “hàng” giao tới là hai đứa trẻ trong nhà cứ nhốn nháo như trẩy hội. Chúng nó còn bày cả gối và mền sang bày xung quanh chỗ mình soạn đồ nói là “I wanna watch mommy, like watching fun cartoon”.

Người xưa hay bảo “Nhà có người thích ăn uống thì đừng lo bị đói” (à câu này do mình nói, mà mình cũng ngấp nghé 40 nên có thể gọi là “người xưa” chăng). Mà đúng thật. Từ hồi cách ly tới nay, việc mua thực phẩm rồi lo lắng số lượng các thứ hầu như không mấy nặng đầu. Luôn sẵn một người hỗ trợ, chấp nhận ngồi cả buổi sáng thứ Bảy chỉ để canh order và shipper.

Chuyện thực phẩm coi như xong. Thứ làm mình bận tâm nhất trong mùa dịch này là hai cái: một là công việc có bị ảnh hưởng không. Hai là việc học của tụi nhỏ ở nhà.

Vụ công việc thì back up từ hồi đầu năm 2020, nên mình đã chuyển sang việc xxx (tạm thời mình chưa tiết lộ được) và tới giờ mọi thứ khá ổn. Hy vọng vẫn ổn như vậy quài. Mảng wedding planner thì giờ bất động luôn chứ chả còn thèm ba chìm bảy nổi nữa. Nhưng vì đó là tâm huyết nên mình vẫn tiếp tục duy trì, bằng niềm tin. Mà giờ mọi thứ với wedding planner cũng không do mình quyết nữa, tùy cơ ứng biến vậy. Còn không thì hiện tại có thể đủ can đảm để suy nghĩ là bản thân có thể làm được nhiều thứ khác, ngoài làm một wedding planner. Nói tới công chuyện thì chỉ có vướng mắc chỗ thời gian thôi. Nhà nào có hai con, không ông bà kế bên, không người phụ việc tại gia, chỉ một vợ một chồng cùng chia thời khóa biểu với nhau thì hiểu. Mang tiếng làm việc tại nhà, nhưng giai đoạn này các bé làm gì tới trường, nên một ngày thong dong lắm thì cũng chỉ làm được 3 tiếng thật sự tập trung, là cùng. Khó mà hơn được. Thời gian còn lại để làm gì? Dạy con học, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa và ti tỉ các thứ việc nhà không tên khác.

Dù đã soạn ra hẳn một Thời khóa biểu dành riêng cho mỗi em ở nhà. Nhưng mà tình trạng quắn quéo thể nào cũng xảy ra, nhiều nữa là khác.

Đơn cử chuyện tắm mỗi sáng khi thức dậy. Có khi dứt điểm sớm chỉ 15 phút là chỉnh tề hết, như ngày còn đi học. Nhưng có khi nhây tới tận 30 phút. Thế là thành ra kéo theo trễ cả làng, nấu đồ ăn sáng muộn, ăn muộn (chưa kể ăn chậm còn hài hơn), học bài muộn, mẹ làm việc muộn… Thế là cáu.

Chung quy thì việc làm mình lăn tăn suy nghĩ nhiều nhất là việc học của các con, chính xác là bèo cả.

Bèo nhí chỉ mới lên 2. Tuy rất cà khịa và láu cá, nhưng ít nhất vẫn còn đang trong giai đoạn học chữ cái, học số, học từ mới, học hát, học xé giấy, xếp hình, chơi Lego cái này cái kia. Khá là dễ vì ít nhất mẹ nó có kinh nghiệm. Hai nữa là việc vừa học vừa chơi xem ra cũng rất là nhàn.

Chuyện với Bèo cả thì khác. Cả nay đã 6, tuổi trăng tròn vào lớp 1. Nhà đang có dự định ở nơi khác nên đành đợi đến khi hết dịch cho bé vào lớp 1 luôn thể, tình hình này trễ vài tháng là chắc rồi.

Câu chuyện thứ #1

Thật ra chuyện của Cả thì ai thân với mình đều biết, từ nhỏ Cả đã không đi học mẫu giáo thường. Tuần chỉ học 3 buổi, còn lại thì rong ruổi đi chơi, ăn uống, làm trò này trò kia với mẹ và em (lúc đó đã có em). Nên đa phần việc dạy-học đều diễn ra ở nhà, kể cả giai đoạn người ta hay gọi là “tiền tiểu học”, là giữa lớp Lá.

Mình cũng không xuất thân hay có kinh nghiệm dạy học gì. Nhưng được cái lâu lâu lại sục sôi ý chí muốn dạy con học tại nhà. Thế là thành ra tìm hiểu về việc dạy trẻ. Sơ sơ thôi rồi tự phăng ra tiếp. Vòng đi vòng lại mẹ con cũng làm bạn cùng tiến với nhau được 6 năm rồi. Có nhiều kỷ niệm lên bờ xuống ruộng, nhất là Cả lại thuộc tuýp ít nói, hay trầm tư, thích cái mới và khá mất tập trung. Trong khi mẹ lại là đứa nóng tính, lúc nào người cũng như có lửa (nghĩa đen và nghĩa bóng), làm việc theo kiểu muốn là làm liền. Nên thành ra hai đứa cùng khổ, chắc cũng ngang nhau. Trầy trật một thời gian rồi thì cũng quen thân.

Mình toàn nói tiếng Anh với Cả từ khi lọt lòng. Không chắc con đường này là đúng, vì hiện tại vốn từ tiếng Việt của Cả còn khiêm tốn cực kỳ khiêm tốn so với tiếng Anh. Nhưng mình có giải thích với Cả rằng: Tiếng Anh là chiếc máy bay đưa con đi khắp nơi, nếu con thật sự muốn. Tiếng Việt thì vì con đang ở Việt Nam, xung quanh con tất cả mọi người nói tiếng Việt nên mẹ nghĩ là trước sau gì con cũng biết nói tiếng Việt rành thôi. Cũng có nhiều phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ, nói ra khá dài dòng. Nhưng mình chọn làm theo cách dễ và có phần tự phát nhất, dễ thích nghi nhất. Là phonics reading. Nghĩa là dạy học từ mới bằng hình ảnh, xen kẽ với học đánh vần. Khi đã quen rồi thì trẻ có thể tự đánh vần mà không cần biết nghĩa của từ, vì nguyên tắc đã có sẵn. Nôm na là giống mình học đánh vần tiếng Việt ấy. Giống y vậy, nhưng áp dụng cho tiếng Anh.

Mình không có nguyện vọng con phải thành người nọ, người kia, học chỗ cao, trường danh giá, tiếng tăm. Cho nên cũng cứ từ tốn chầm chầm mà tiến cùng con. Nhưng… ờ, luôn có chữ nhưng.

Mình đồng thời cũng như bao người mẹ khác.

Có những lúc con coi Youtube, mình ghé mắt vào xem chung, thấy một đứa trẻ trong đó chỉ mới 4 tuổi mà đọc truyện tiếng Anh ào ào. Thế là mình lại suy nghĩ, hay do mình dạy chưa tốt? hồi sau lại tự hỏi hay do thời lượng học chưa đủ, mình có thả cho Cả chơi nhiều quá không?

Thế là lại dẹp công việc sang một bên. Coi hàng loạt các video, bài viết nói về cách dạy trẻ học ngôn ngữ. Nhưng khổ nỗi đa phần mấy cái đó đều là lý thuyết. Sau một hồi vần vũ rồi thì mình tự hài lòng với kết luận “Mọi thứ vẫn ổn, con mình vậy là ok lắm rồi, có chậm chậm thì cũng tiến được thôi”.

Và tình huống này không chỉ có một, diễn ra đã rất nhiều lần rồi. Mỗi lần như vậy, không biết Cả nó có biết không, chứ còn mình đầu óc suy nghĩ muốn nổ tung. Thật ra tới giờ mình vẫn chưa tìm ra được câu trả lời. Chỉ có nước tự trấn an mình và tiếp tục con đường đang đi với con thôi.

Câu chuyện thứ #2

Là về cảm xúc của con.

Một hôm ngắm trời đổ mưa đen đúa ngoài cửa sổ. mình chợt nhớ ngày đưa Bèo nhí về nhà ngoại sau khi sinh, trời cũng mưa ầm ầm như vậy. Suy nghĩ một hồi lại nhớ tới khoảng thời gian 2 tháng sau sinh. Hồi ấy mình stress, vì chưa bao giờ phải trải qua thời gian có nhiều thay đổi cùng lúc tới vậy. Không phải trầm cảm nhưng đầu nghẹt cảm xúc tiêu cực là có. Nhưng lúc đó mình thật ích kỷ. Chỉ nghĩ tới bản thân. Cho rằng cơ thể thay đổi, thói quen thay đổi, việc có thêm nhiều trách nhiệm khi thêm một đứa con ra đời là lớn nhất. Mà quên mất cảm nghĩ của Bèo Cả. Cả khi ấy chắc cũng stress nặng. Bằng chứng là em bị bón chưa từng có (hiện tượng này đã có từ vài tháng cuối của thai kỳ vì thời gian đó mẹ cũng có quá nhiều vấn đề về sức khỏe, lại còn ngủ chung mà tránh đụng chạm em vì ngại cấn em bé). Em bón thì mẹ lại cáu, mẹ cho rằng em không ăn đủ rau, đủ trái cây, càng push thì em lại càng khó poop hơn. Vòng lẩn quẩn ấy tới mãi 3 tháng mới xong. Tới độ mấy lần ông ngoại phải sang phòng để giải cứu Cả vì thấy mẹ la em kinh khủng quá.

Đó đã là chuyện cách đây 2 năm. Nhưng sự vô tâm hồi đó mình không chắc có thể bù đắp lại được cho con. Giờ hai đứa rất yêu thương nhau, Cả cũng yêu chiều, lo lắng và quan tâm em bé nhiều. Em bé cà khịa nhưng cũng rất thương và hay rủ chị chơi cùng này kia. Nhưng cảm giác muốn giảnh mẹ về phía mình thì vẫn vậy. Vì mẹ là cả bầu trời với hai chị em cơ mà. Tối ngủ chia nhau mỗi đứa một cánh tay, một cái chân. Sáng tắm cho em rồi thì cũng phải vớt vớt nước vài cái cho chị. Bày đồ ăn cho chị thì cũng phải bày đồ ăn y chang vậy cho em.

Điều mình lấn cấn ở đây là không biết cảm giác luôn muốn có mẹ kề bên này liệu có mang tới ảnh hưởng tiêu cực nào sau này không? Và trong 1000 lần thì chắc chắc ít nhất cũng sẽ có vài lần Cả cảm thấy ghen tị với em, vì mẹ lỡ làm cái này cái kia trước cho em. Thì những tình huống đó liệu có làm tổn thương Cả? Vì con là đứa hiếm khi tự nói ra cảm xúc của mình, chỉ nói mỗi khi mẹ con tâm sự cùng nhau. Trong khi Bèo Nhí lại trái ngược hẳn, gì cũng nói ra, yêu thương cũng lộ ra đằng mặt đằng chân.

Ngã ba đường là thứ mình luôn ở giữa trong chặng đường làm mẹ. Hiện tại câu trả lời của mình là làm tốt nhất những gì có thể. Dành cho hai con cách yêu thương hơi khác nhau một chút để phù hợp với tính cách cả hai, luôn công bằng và làm cho con cùng hiểu tình yêu dành cho hai đứa là giống nhau, dù cách thức có khác. Còn lại thì mọi việc sau này sẽ điều chỉnh tiếp,

Nuôi con mới nhận ra mình cũng chỉ là một đứa con nít.